Posted on Leave a comment

Lễ hội đền Phù Ủng

Lễ hội đền Phù Ủng

Lễ hội đền Phù Ủng

Cứ mỗi dịp xuân về, dòng người lại nô nức về đền Phù Ủng tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi để tưởng nhớ tới tướng quân Phạm Ngũ Lão, một vị tướng tài của nhà Trần đã có công đánh tan giặc Nguyên – Mông bảo vệ nền độc lập của đất nước. Đã thành truyền thống, Lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 15 tháng giêng hàng năm. Lễ hội đã thu hút hàng vạn lượt khách thập phương tới dâng hương, trẩy hội, là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho các hoạt động văn hóa, lễ hội mùa xuân của tỉnh Hưng Yên.

 Nét độc đáo của Lễ hội đền Phù Ủng được thể hiện ngay trong phần Lễ mở đầu với nghi thức rước công chúa Tĩnh Huệ từ phủ chúa về lăng Phạm Tiên Công để trình ông và rước về đền Phạm Ngũ Lão để trình cha. Tham gia đoàn rước có các đội cờ lễ, múa lân, rồng, bài vị, đội khiêng kiệu hoa, khiêng kiệu công chúa. Sau nghi lễ rước truyền thống từ phủ chúa về đền, dân làng và du khách tổ chức lễ dâng hương, ôn lại thân thế, sự nghiệp và công lao của Tướng quân Phạm Ngũ Lão với đất nước.

 Sau phần Lễ là phần Hội với các trò chơi dân gian, những môn thể thao, vui chơi tương truyền là do tướng quân Phạm Ngũ Lão nghĩ ra để rèn luyện sức khỏe, ý chí cho binh sĩ như: Thi vật cù, cờ tướng… và các hoạt động khác như múa rối, hát trống quân, hát chèo, hát quan họ…

Posted on Leave a comment

Lễ Hội Đền Đa Hòa – Dạ Trạch

Lễ hội đền Đa Hòa - Dạ Trạch

 Theo thông lệ, cứ ba năm một lần, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 (âm lịch), nhân dân trong tỉnh Hưng Yên và du khách thập phương lại háo hức tiến về xã Dạ Trạch thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để tham dự lễ hội. Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung tại đền Đa Hòa là một trong những lễ hội lớn của cả nước, là bức tranh về đời sống tinh thần phong phú, sinh động và mang giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt cổ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng nghìn năm về trước.

Đến với lễ hội đền Đa Hòa – Dạ Trạch, du khách còn được thưởng thức những làn điệu Hát trống quân đặc sắc, một điệu hát giao duyên ứng tác, truyền từ đời nọ sang đời kia trên mảnh đất Dạ Trạch. Hát trống quân luôn tồn tại như một thành tố không thể thiếu vừa góp vui cho phần hội, vừa là dịp trai gái hát trao duyên tìm hiểu nhau. Sau nhiều năm tháng mai một, giờ đây, hát Trống quân lại có dịp khoe duyên cùng du khách những làn điệu mộc mạc mà duyên dáng, đằm thắm như chính thiên nhiên và con người nơi đây.

Lễ hội đền Đa Hòa – Dạ Trạch là lễ hội tình yêu độc đáo, là điểm tham quan, du lịch đặc sắc, hấp dẫn không thể thiếu của mỗi du khách trong tour du lịch đồng bằng sông Hồng. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng tự hào của cộng đồng với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; biểu dương sức mạnh và tinh thần đoàn kết của cộng đồng; góp phần làm phong phú thêm kho tàng lễ hội của dân tộc;…

Posted on Leave a comment

Lễ hội dân gian văn hóa Phố Hiến

lễ dâng hương
lễ rước kiệu 2
lễ rước kiệu
múa lân
lễ dâng hương 2

Lễ hội dân gian văn hóa Phố Hiến

 Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến là một trong những lễ hội lớn của Hưng yên (diễn ra từ mồng 6 đến mồng 8 tháng ba âm lịch hàng năm). Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Phố Hiến xưa – thành phố Hưng Yên hôm nay đến nhân dân và du khách thập phương.

     Nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của cha ông để lại, từ nhiều năm nay, thành phố Hưng Yên đã phục dựng và tổ chức các lễ hội văn hóa vùng Phố Hiến. Mở đầu chuỗi các sự kiện diễn ra trong lễ hội sẽ là phần tế lễ, như lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ rước kiệu của các di tích. Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như văn hóa ẩm thực, thi cầu kiều, kéo co, chọi gà, cờ tướng, bơi chải, đàn và hát dân ca; hội thi thả diều sáo, trưng bày, giới thiệu đặc sản vùng Phố Hiến; trưng bày, giới thiệu cổ vật…

      Đến với lễ hội, du khách không chỉ được thưởng thức các món ăn dân gian đặc sản ở Hưng Yên như bún thang, chè sen long nhãn… mà còn trực tiếp được xem cách chế biến các món ăn này qua bàn tay dịu dàng, cần mẫn của các chị em phụ nữ đất nhãn. Ngoài được thưởng ngoạn các di tích lịch sử văn hóa, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội mang đặc trưng riêng chỉ có ở Hưng Yên.