Posted on Leave a comment

Làng tương Bần

Làng làm tương Bần

Phường Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên

“Cốm Vòng, gạo Tám Mễ Trì, tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn” là câu ca dao mô tả 4 món ngon trứ danh của Bắc Bộ. Trong đó tương Bần Yên Nhân là món nước chấm có quy trình chế biến độc đáo và đã từng là phẩm vật để tiến Vua. Hãy cùng về làng tương Bần Hưng Yên để khám phá món nước chấm dân dã này nhé! 

Làng nghề tương Bần Yên Nhân thuộc thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên cách Hà Nội khoảng 25km. Đây là 1 trong những làng nghề ở Hưng Yên nổi tiếng với nghề làm tương. Tương Bần – đặc sản của làng đã được xếp vào 1 trong những món đặc sản nên mua về làm quà khi du lịch miền Bắc hay du lịch Hưng Yên. 

Tương Bần Yên Nhân đạt chuẩn chất lượng phải là tương có màu vàng đậm và có vị ngọt đậm đà, hạt xôi nếp mềm thì tương mới đậm vị. Lúc này người dân sẽ đem tương đi đóng chai và du khách có thể lựa chọn mua về làm quà. Hương vị bùi béo của tương bần chắc chắn là một dư vị khó quên đối với người còn xa xứ. Du khách sẽ có thêm nhiều trải nghiệm độc đáo khi khám phá quy trình ủ tương tại Làng Bần.    

Posted on Leave a comment

Làng nghề đan đó Thủ Sỹ

Làng đan đó Thủ Sỹ

Thủ Sỹ, Tiên Lữ, Hưng Yên

Giới thiệu về làng Thủ Sỹ

Xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 60km. Từ tỉnh lộ rẽ vào, Thủ Sỹ hiện ra với hình ảnh làng quê đậm chất Bắc bộ với những mái ngói thâm nâu, nếp nhà ba gian xưa cũ và những lũy tre xanh, tạo nên một khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả. Ở Thủ Sỹ có khoảng 500 người làm nghề đan đó, trong đó hai thôn có nghề phát triển nhất là Nội Lăng và Tất Viên. Người dân Thủ Sỹ gắn bó với nghề đan đó từ rất lâu. Các bậc cao niên trong làng cho biết người Thủ Sỹ biết đến nghề đan đó từ cách đây khoảng hơn 2 thế kỷ.

Làng nghề đan đó 200 tuổi

Ghé thăm các gia đình trong thôn đều có thể thấy cảnh các cụ ông, cụ bà ngồi trước hiên, đôi bàn tay vừa thoăn thoắt đan đó, vừa vui vẻ kể cho nhau nghe những câu chuyện gia đình, làng xóm. Các cụ kể rằng trước kia, mỗi độ nông nhàn, ở Thủ Sỹ, nhà nào cũng đan đó, mọi người có thể ngồi đan đó cả ngày. Cả làng rộn ràng tiếng chẻ tre, chẻ nứa, khoảng sân rộng nhà nào cũng đầy những thân đó, những nan tre, những chiếc đó thành phẩm… Trước sân nhà hay dưới những tán lá nhãn, mọi người sẽ được ngắm nhìn những con người tụ họp tập trung đan đó, chút chút lại rộ lên tiếng cười đùa vui giữa không gian yên ả, thanh bình biết nhường nào.

Hàng xuất khẩu

Hiện nay, những sản phẩm làm từ tre, nứa rất được ưa chuộng trong việc trang trí, làm đồ nội thất. Sản phẩm không những được ưa chuộng ở trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Có những đoàn khách từ Ấn Độ, Đức hay Mỹ về đây rất thích và đặt hàng với số lượng lớn. Sẽ không quá khi nói những chiếc đó là đặc trưng riêng của vùng đất Thủ Sỹ này. Rời ruộng đồng, rời bàn tay cày cuốc là người già, phụ nữ và thanh niên trai tráng lại tất bật phơi nan, vót tre, đan đó, kết chùm…Tất cả góp phần tạo nên một bức tranh làng nghề đặc sắc. Dù chỉ là nghề phụ nhưng đan đó không phụ công người dân Thủ Sỹ. Với khoảng 650.000 chiếc đó có mặt tại thị trường mỗi năm, người dân Thủ Sỹ có thêm đến 50% thu nhập trang trải cuộc sống lúc nông nhàn.

Sự hiếu khách của người Thủ Sỹ

Posted on Leave a comment

Làng hương Thôn Cao

Làng hương Thôn Cao

Thôn Cao, Bảo Khê, Hưng Yên

 Thôn Cao (Hưng Yên) được ví như “cái nôi” của nghề làm hương Việt Nam. Nơi đây lưu giữ những nét đẹp tín ngưỡng truyền thống của người Việt từ bao đời.

Thôn Cao và những nét riêng trong nghề làm hương

Làng hương Thôn Cao cách Hà Nội khoảng 40km, thuộc địa phận xã Bảo Khê, Thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), nằm sát ngay đê tả ngạn Sông Hồng. Hương Thôn Cao nổi tiếng mang mùi hương nhẹ thanh, mùi thơm lưu giữ lâu mà hiếm có hương ở nơi nào có được.

Theo tương truyền, vào thế kỷ XVIII, bà Đào Thị Khương đi buôn bán và học được nghề làm hương, khi trở về đã truyền dạy lại cho người dân trong làng. Vì vậy, ngày 22/8 âm lịch hằng năm, được coi là ngày giỗ tổ của làng, cũng như là ngày tưởng nhớ công ơn lớn lao của bà Đào Thị Khương.

Những ngày cuối xuân, đi dọc từ làng trên xóm dưới, khắp nơi trên mảnh đất Thôn Cao đều phảng phất mùi hương của thuốc bắc và thảo mộc. Trên khắp sân vườn của từng hộ gia đình phơi hương tràn ngập những sắc đỏ vàng của cây hương. Mỗi cây hương đều được các nhân công chăm chút, tỉ mỉ chế tác.

Làm hương - nghề của cha ông thay đổi cuộc sống nhiều gia đình

Mặc dù những bài thuốc chế tác, mẫu mã sản xuất ở những hộ gia đình là khác nhau, tuy nhiên trong mỗi thành phẩm được sản xuất. người dân thôn Cao luôn hướng về sự sáng tạo và phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Các hộ sản xuất nhạy bén áp dụng các máy móc hiện đại để đẩy mạnh tiến độ sản xuất hương, nhằm tăng năng suất lao động và sản phẩm đến với người tiêu dùng chất lượng hơn. Bên cạnh đó, việc lưu truyền và tiếp nối nghề làm hương truyền thống vẫn luôn được các hộ sản xuất đặt lên hàng đầu. Nơi đây như “cái nôi” lưu truyền nét đẹp tín ngưỡng của người Việt.

Thôn Cao trở thành làng nghề sản xuất hương lớn nhất miền Bắc, các sản phẩm hương được sản xuất nơi đây đã được xuất khẩu sang nhiều nơi: Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc… Nhiều người dân thôn Cao đã và đang mang nghề truyền thống của làng mình đến khắp các vùng để truyền bá và phát triển.

Mỗi người dân Thôn Cao luôn có chung một tâm niệm: Làm hương là nghề của tiên tổ và nghề ấy còn liên quan tới tín ngưỡng, tâm linh thì không được làm cẩu thả và phải đưa cái tâm của mình vào từng sản phẩm. Chính vì vậy, hương Thôn Cao trở thành một thương hiệu uy tín, chất lượng phục vụ tâm linh tín ngưỡng, và trở thành thương hiệu lưu giữ nét đẹp tín ngưỡng người Việt.

Posted on Leave a comment

Làng đúc đồng Lộng Thượng

Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng

Vùng đất Đại Đồng thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, không chỉ nổi tiếng với quần thể di tích làng Nôm nhuốm màu thời gian với hơn 200 năm tuổi đời, hay những ngôi nhà cổ năm gian mang lối kiến trúc đậm nét đặc trưng của làng Việt cổ xưa, mà nơi đây còn tồn tại một “báu vật,” được những người con của làng chung tay gìn giữ qua hàng trăm năm. Đó chính là nghề đúc đồng đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm để ghi dấu ấn trong lịch sử của vùng đất kinh Bắc mà mỗi khi nhắc đến, người dân làng Rồng Lộng Thượng không khỏi tự hào về truyền thống quý báu của cha ông.

Đất và người làng Nôm nổi tiếng với câu ca dao:

                     “Đồng nát thì về cầu Nôm

                  Con gái nỏ mồm thì về với cha”

Cái nôi” của nghề đúc đồng xưa…

   Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, từ thời xa xưa, người dân làng Nôm nổi tiếng với nghề truyền thống là trồng lúa nước. Do đất nông nghiệp của làng bị ngập úng quanh năm, người làng Nôm sớm có xu hướng thoát ly nông nghiệp, dần trở thành đầu mối phân phối nguyên liệu cho các làng nghề đúc đồng. Trải qua nhiều thời gian, nghề đúc đồng của làng được hình thành.

   Từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, các sản phẩm đồ đồng đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa của một làng nghề nổi tiếng chốn kinh thành Thăng Long xưa. Ngày nay, làng Lộng Thượng đã được mở rộng sản xuất và phân công hóa ngành nghề. Các hộ sản xuất đã liên kết với nhau thành lập các phường sản xuất riêng theo từng công đoạn, từng loại mặt hàng, như: xưởng làm mâm, xưởng làm chậu, xưởng đúc đồ thờ cúng, xưởng đúc tượng….

     Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh thành một dây chuyền sản xuất, nghề đúc đồng của làng đang ngày càng phát triển. Sản phẩm của làng Lộng Thượng đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Lớp nghệ nhân, thợ trẻ trong làng đã bảo tồn và phát huy tinh hoa của thế hệ ông cha đi trước.


    Bên cạnh giá trị tinh thần to lớn, nghề truyền thống của cha ông còn đem lại giá trị vật chất cho người dân làng Rồng. Áp dụng những phương pháp mới, các hộ làm nghề sản xuất không chỉ đảm bảo được các nhu cầu cơ bản cho gia đình, giải quyết được công ăn việc làm cho chính người dân địa phương, mà còn góp phần gìn giữ một nét văn hoá độc đáo riêng của làng quê Việt Nam.