Posted on Leave a comment

Đền Mẫu

Đền Mẫu - Ngôi đền linh thiêng bậc nhất

Tồn tại hơn 700 năm, đền Mẫu Hưng Yên vẫn luôn là địa điểm tâm linh nổi tiếng, thu hút hàng ngàn người đến chiêm bái mỗi năm nhằm cầu bình an và sức khỏe cho bản thân lẫn gia đình.

Đền Mẫu Hưng Yên tọa lạc trên một vùng đất rộng gần 3000m2, phía trước là hồ Bán Nguyệt, xa hơn một chút là con đê sông Hồng. Điều này giúp toàn bộ cảnh quan ngôi đền trở nên hài hòa giữa thiên nhiên, mang đến cảm giác yên bình cho bạn nếu có dịp xách balo đến đây.

Lịch sử đền Mẫu Hưng Yên

Đền Mẫu Hưng Yên được khởi dựng vào thời Trần Nhân Tông, năm 1279. Mặc dù trải qua nhiều thời kỳ tu sửa nhưng khi đến Đền Mẫu, bạn vẫn được hưởng trọn vẹn vẻ lâu đời, cổ kính còn vương lại trên từng viên gạch, mái chùa hay những pho tượng của nơi đây.

Đền Mẫu Hưng Yên thờ ai ?

Đền Mẫu, hay còn gọi là Hoa Dương Linh Từ hoặc đền Mậu Dương thuộc địa phận thành phố Hưng Yên, nằm trong khu di tích phố Hiến.

Ngôi đền thờ bà Dương Quý Phi nguyên là vợ vua Tống thời xưa nổi tiếng linh thiêng này tọa lạc ngay bên bờ hồ Bán Nguyệt, đây cũng là điểm thu hút du khách đến đạp vịt hay thưởng ngoạn vẻ độc đáo của hồ nước xanh trong. 

Kiến trúc Đền Mẫu Hưng Yên

Đền Mẫu Hưng Yên không chỉ là một điểm đến tâm linh mà còn là một kiệt tác kiến trúc. Nổi bật là nghi môn với lối kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái và cửa vòm cuốn, đi kèm bức đại tự “Dương Thiên Hậu – Tống Triều” bằng gốm lam thời Nguyễn. Qua cổng, không gian yên bình với khói nhang, tiếng chim và cảnh sắc thanh tịnh hiện ra. Ba cây cổ thụ (đa, xanh, si) mọc chồng lên nhau, trong đó có cây 800 tuổi, biểu tượng cho sự bảo vệ của Thánh Mẫu.

Tiền tế của đền gồm ba gian, hai tầng, mái cong mềm mại với hình ảnh rồng chầu, lưỡng long chầu nguyệt. Điểm nhấn là bức châm chữ vàng của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh ca ngợi cảnh đẹp đền. Kiệu Rồng và Phượng trong trung từ thể hiện nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê. Hậu cung đặt tượng thờ Dương Quý Phi và hai người hầu sơn son thếp vàng từ thế kỷ 17-18. Đền còn nhiều hiện vật quý từ thế kỷ 18-19, cùng 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn.

Posted on Leave a comment

Đền Chử Đồng Tử (Đền Dạ Trạch – Đa Hòa)

Đền Đa Hòa - Dạ Trạch

1. Truyền thuyết về Chử Đồng Tử tại 2 ngôi đền

Tương truyền, Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân, ven sông Hồng. Nhà nghèo, 2 cha con chỉ còn lại một chiếc khố, phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ lấy chiếc khố. Thương cha, Chử Đồng Tử liệm khố cho cha, còn mình chịu cảnh không khố, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền để bán cá hoặc xin ăn. 

Thời ấy, Hùng Duệ Vương (vị vua Hùng thứ 18) có con gái tên là Tiên Dung, thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm, thuyền rồng của Tiên Dung theo sông Hồng đến vùng ven sông gần Chử Xá. Nghe tiếng huyên náo, Chử Đồng Tử vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bãi cát ven sông để tắm. Ngờ đâu đúng ngay chỗ nấp của Chử Đồng Tử. Nước xối để lộ thân hình Chử Đồng Tử. Tiên Dung kinh ngạc, hỏi han, nghĩ ngợi, rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng

Dù Hùng Vương không đồng ý, Tiên Dung vẫn ở lại với Chử Đồng Tử. Cả hai bắt đầu buôn bán, mở rộng thương mại dọc sông Hồng và lập các đoàn thuyền buôn lớn, giúp vùng ven sông trở nên phát triển thịnh vượng. Chử Đồng Tử trở thành một thương gia giàu có, truyền bá tri thức và kinh nghiệm cho người dân.

 Khi nghe về sự thần phục của dân đối với Chử Đồng Tử, Hùng Vương cho quân tìm đến nhưng thấy một quần thể cung điện rực rỡ, rồi biến mất vào sáng hôm sau. Hùng Vương truyền lập đền thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung, cùng nhiều địa danh gắn liền như bãi Chử Đồng Tử, đầm Nhất Dạ Trạch và chợ Hà Thị. 

Để ghi nhớ công tích của ba vị, dân trong cả vùng hạ lưu sông Hồng, như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam đã lập đền thờ. Hưng Yên là nơi có nhiều đền nhất, tới 45 làng cùng thờ. Trong số ấy, có hai ngôi đền nổi tiếng nhất thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử là đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch.

2. Đền Hóa Dạ Trạch

Đền Hóa Dạ Trạch tọa lạc tại thôn Yên Vĩnh, Xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử, nhị vị phu nhân và Triệu Việt Vương ( Triệu Quang Phục).

 Đền Hóa ở sâu trong vùng đầm Dạ Trạch, nổi tiếng thâm nghiêm và linh thiêng. Nơi đây vẫn còn giữ được những cây cổ thụ, tạo cho đền Hóa một vẻ đẹp thâm u, huyền bí, thoát tục. Cảm nhận không khí linh thiêng trong đền quyện mùi nhang trầm, hương hoa, mà ở đây yên tĩnh dịu mát. Đền có tên gọi là Đền Hóa Dạ Trạch vì tương truyền đây chính là nền lâu đài thành quách xưa của Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân sau khi ba vị hóa về trời. 

Du khách tới đây sẽ được ngắm nhìn tuyệt tác của các nghệ nhân được thể hiện ở kiến trúc của ngôi đền. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Công (工), mái khắc nhiều hình long, phượng rất đẹp, gồm ba gian. 

 Kiến trúc gỗ bên trong đã sờn cũ, nhuốm màu thời gian càng tăng vẻ đẹp cổ kính. Những cột gỗ lim to nay vẫn còn chắc chắn. Các bức hoành phi câu đối, sự tích tôn vinh Thánh Chử Đồng Tử vẫn còn hiện diện.

Để ghi nhớ công ơn, hàng năm người dân tổ chức lễ hội Chử Đồng Tử từ ngày mùng 10 tháng Chạp, đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, thể hiện rõ nét văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng.

3. Những điều thú vị về đền Hóa Dạ Trạch​

Đền Hóa Dạ Trạch được trùng tu cách đây 100 năm, ao đầm xung quanh được lấp kín, chỉ còn lại hồ bán nguyệt nhỏ, bước lên đền hôm nay chỉ phải leo 4 bậc. Đền thẳng hướng chính Đông, xây theo kiểu chữ “Công” có 3 tòa 5 gian, từ xưa là kiến trúc trang hoàng lộng lẫy.

Đối diện với chính điện, qua hết sân đền là lầu chuông, bia. Chuông được đúc năm Thành Thái 1902 với tên gọi “Dạ Trạch từ chung”. Sân đền rộng, ngoài chính điện, lầu chuông còn có một dãy nhà xây giữa sân đền. Thời kháng chiến chống Pháp từng là nơi đóng quân luyện võ của quân ta.

Gian chính điện thờ, bên trái là vợ thứ nhất công chúa Tiên Dung, bên phải là vợ thứ hai công chúa Tây Sa.

Vườn nhãn lâu năm ở khuôn viên đền

4. Đền Đa Hòa

Ngôi đền nổi tiếng gắn với truyền thuyết về tình yêu đẹp nên thơ

Đức thánh Chử Đồng Tử, một vị “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng Việt Nam được thờ phụng ở nhiều nơi. Chỉ riêng ở ven sông Hồng, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tới 72 đền thờ ngài. Nhưng đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là đền chính – Đa Hòa chính từ

Ngôi đền gồm 18 công trình lớn, nhỏ với tổng diện tích gần 19 nghìn mét vuông. Con số 18 khiến người đời sau nhớ đến công chúa Tiên Dung khi gặp và kết duyên với Chử Đồng Tử lúc 18 tuổi và là con vua Hùng Vương thứ 18. Các mái đền mang hình thuyền rồng cách điệu. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi đền giống như đoàn thuyền đang quần tụ dập dìu trên sông nước. Người ta bảo rằng, ngài tiến sĩ nho học tài hoa, tinh tế khi thiết kế đã gửi gắm ý tưởng về ngôi đền gợi nhớ cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đang du ngoạn trên sóng nước sông Hồng thuở nào…

Ngay bên ngoài đền là nhà Bia tám mái uy nghi, đối diện với bãi Tự Nhiên- nơi nên duyên của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Khu giữa của đền có gác chuông và gác khánh chứa 2 bảo vật quý là chuông và khánh được đúc, tạc từ thời Nguyễn. Trung tâm của đền là tòa Thiên hương trang nghiêm, bề thế, hai tầng tám mái, trạm trổ vô cùng tinh xảo, kỳ công…

Ấn tượng với du khách hơn cả là các pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở hậu cung, đều được đúc bằng đồng, tầm vóc cỡ như người thật. Và có lẽ, thu hút sự chú ý của du khách ở ngôi đền cổ kính ven bờ sông Hồng bốn mùa đỏ phù sa còn là hình ảnh hàng cây gạo trăm tuổi và những cây cổ thụ sừng sững, soi bóng bên sông hay rợp tán trong đền. 

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, toàn bộ kiến trúc ngôi đền toát lên ý tưởng và cảm hứng về câu chuyện tình bất tử. Đây không chỉ là một di tích lưu truyền và lan toả về một thiên tình sử hàng ngàn năm nay mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà còn có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn. Các nghi thức tế lễ của lễ hội Chử Đồng Tử -Tiên Dung vào mùa xuân cũng sở hữu những nét văn hóa cực kỳ đặc sắc, hấp dẫn, chỉ nơi đây mới có.

Posted on Leave a comment

Văn Miếu Xích Đằng

Văn miếu Xích Đằng

Thành phố Hưng Yên, Tỉnh Hưng Yên

Văn miếu Xích Đằng Hưng Yên

biểu tượng vùng đất khoa bảng

  Văn miếu Xích Đằng được biết đến là một di tích quan trọng thuộc quần thể di tích Phố Hiến, tại phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên (Hưng Yên). Với gần 400 năm tồn tại, ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng, Văn miếu Xích Đằng đã trở thành biểu tượng cho nền văn hiến và tinh thần hiếu học của mảnh đất Phố Hiến khi xưa.

Thế kỷ 17, để chấn hưng lại đạo Nho, triều đình nhà Lê đã cho thành lập nhiều trường học bên ngoài trường Quốc Tử Giám ở các trấn. Trấn Sơn Nam khi ấy gồm các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và một phần đất của Hà Nội và Hưng Yên. Văn miếu Sơn Nam (văn miếu Xích Đằng khi đó) được xây dựng vừa làm nơi để thờ tự các bậc hiền nho, vừa là nơi tổ chức các cuộc thi hương và sát hạch thí sinh đi dự kỳ thi hương.

Khuôn viên văn miếu rộng 6.000 m2, bao gồm các công trình kiến trúc: tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dãy tả-hữu vu, khu chính và khu tháp thờ. Tam quan Văn miếu xây dựng theo kiến trúc “chồng diêm hai tầng tám mái”. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng và còn được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên. Khác với các văn miếu khác, chỉ riêng Văn miếu Xích Đằng có khánh đá và chuông đồng được đúc vào năm 1803 và 1804. Khu nội tự Văn miếu Xích Đằng được xây kiểu chữ Tam, gồm: tiền tế, trung từ và hậu cung, kiến trúc giống nhau theo kiểu vì kèo trụ trốn.

Khác với cách bài trí của các văn miếu khác, ở văn miếu Hưng Yên, tượng thầy giáo Chu Văn An được đặt thờ ngay ở phía giữa khu đại bái, còn tượng Đức Khổng Tử và các vị chư hiền nho gia được đặt thờ trong phần hậu cung. Điều này cho thấy sự kính trọng, vinh danh tấm lòng, đức độ người thầy lỗi lạc muôn đời của nền giáo dục Việt Nam mang tên Chu Văn An.

Hiện vật quý giá nhất trong văn miếu còn lưu giữ được đến ngày nay đó chính là chín tấm bia đá trong đó có tám tấm dựng năm Đồng Khánh 1888, và một tấm dựng năm Bảo Đại năm 1943. Trên chín tấm bia có ghi danh 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng xưa, trong đó có 138 vị ở Hưng Yên và 23 vị ở Thái Bình
Ban thờ Chu Văn An
Đền thờ Chu Văn An
Bia đá
Lầu chuông
Lầu khánh
Tháp tăng
Toàn cảnh văn miếu Xích Đằng
Posted on Leave a comment

Chùa Chuông

Chùa Chuông

Phố Hiến đệ nhất danh lam

Chẳng cần phải đến thành phố Huế mộng mơ để được chiêm ngưỡng kinh thành Huế nguy nga. Ngay tại vùng đất Hưng Yên bình yên cũng có một công trình cổ kính được ví như một phiên bản của Kinh thành Huế thu nhỏ. Đó chính là chùa Chuông Hưng Yên. Chùa Chuông còn được gọi với một tên gọi khác là Kim Chung Tự. Nằm ngay tại thôn Nhân Dục, thuộc quần thể di tích Phố Hiến. Theo thời gian, ngôi chùa ngày càng trở nên cố kính và thu hút đông đảo nhiều du khách ghé thăm. 

Trong chùa hiện đang cất giữ nhiều di cổ giá tri như: câu đối, hoành phi, bia đá, đồ thờ, trong đó bia “Kim Chung tự thạch bi ký” dựng năm 1711 mô tả vị trí cảnh quan trong chùa và người có công tu tạo. Qua di vật này, các nhà nghiên cứu đã đoán được có một con đường thiên lý thông thương giữa Thăng Long và Phố Hiến nằm ngay ở cửa chùa. Ngoài ra còn ghi nhận thời điểm đó phố Hiến gồm tất cả là 12 phường. 

Ngôi chùa cũng là một trong 16 di tích tiêu biểu nhất trong Quần thể di tích “Quốc gia đặc biệt khu di tích Phố Hiến”.

Posted on Leave a comment

Làng Nôm

Huyện Văn Lâm, Tỉnh Hưng Yên

Làng Nôm

Ngôi làng cổ đậm chất Bắc Bộ

Khám phá Làng Nôm – một ngôi làng tồn tại hơn 200 năm tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, là một trải nghiệm đầy thú vị, nơi bạn có thể chiêm ngưỡng sự bảo tồn của những nét đặc trưng nguyên sơ của làng cổ Việt Nam.

Làng giống như những gì người ta vẫn hình dung về ngôi làng vùng Bắc Bộ ngày xưa với đình, giếng nước, cây đa cổ thụ và những con đường gạch đỏ, cổng nhà cổ hiếm hoi.

Điều đặc biệt ấn tượng với du khách là ngôi làng vẫn duy trì nếp sống thôn quê mộc mạc bao đời nay, ít bị ảnh hưởng bởi đô thị hóa. Với vẻ đẹp “bền vững” qua thời gian, du lịch làng Nôm Hưng Yên cũng được nhiều người quan tâm tới.

Dời xa phố thị, tới một làng quê nhỏ, bạn sẽ thấy vừa quen và lạ. Quen như ở chính ngôi nhà mình, lạ bởi một miền đất mới. Ở làng Nôm, vẻ đẹp truyền thông dung dị như cây đa, giếng nước, mái đình vẫn được gìn giữ. Qua cánh cổng làng rêu phong, khung cảnh bên trong làng mang đặc trưng của làng quê cổ Việt Nam. Các khu nhà nhỏ nhắn đều nhuốm màu thời gian, hoạt động thường nhật của người dân diễn ra bình lặng, yên ả.

Nét đẹp làng quê Bắc Bộ được lưu giữ nguyên vẹn tại làng Nôm Hưng Yên

Đặc biệt hơn cả, nơi đây đang lưu giữ rất nhiều di tích cổ có niên đại hàng chục đến hàng trăm năm. Từ cổng làng, đường đi đến bức tường đều còn nguyên dạng. Về đây, du khách sẽ có cảm giác như hàng trăm năm qua chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi. Cho dù thời gian có trôi qua bao lâu đi chăng nữa thì những giá trị tinh túy nguyên sơ nhất vẫn không hề thay đổi.

 

Đình Đại Hồng

Kho báu kiến trúc trăm năm

Mái đình mang đậm nét đẹp của kiến trúc phương Đông tọa lạc tại “báu vật trăm năm” làng Nôm Hưng Yên cũng chính là một điểm du lịch thu hút nhiều du khách.

Nơi đây thờ Thánh Tam Giang – một vị tướng tài ba đã có công lớn giúp Hai Bà Trưng dẹp giặc, cứu nước. Vì thế, đình Đại Đồng còn được gọi với cái tên mộc mạc là đình Nôm hay đình Tam Giang theo tên của vị tướng.

Đình Đại Đồng chẳng biết tự bao giờ đã trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân làng Nôm. Nhất là vào mùng 10 tháng 8 âm lịch hàng năm, lễ hội ngày mất của Thánh Tam Giang, đình tổ chức lễ hội làng Nôm tưng bừng đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm.

Nét rêu phỏng của đình là một trong những yếu tố để đẩy mạnh “du lịch di sản” ở làng Nôm.

Những họa tiết xuất hiện trong khuôn viên chùa Nôm đều thể hiện được nét đẹp tinh tế và sự điêu khắc công phu của các nghệ nhân. Ẩn dưới những cây cổ thụ lớn niên đại nhiều năm là ngôi chùa cổ kính, rêu phong.

Chùa Nôm

Nét đẹp cổ xưa được lưu giữ nguyên vẹn

Ngôi chùa cổ Chùa Nôm là điểm đến khiến bạn hoàn toàn phải kinh ngạc bởi vẻ đẹp văn hóa đặc sắc. Với các công trình như gác Chuông, gác Trống, tam quan, nhà Mẫu, nhà Tổ, tòa Tam bảo, sân… Chùa Nôm là một bảo tàng kiến trúc cổ với quy mô ban đầu được bảo toàn trọn vẹn. Cảm giác yên bình, giản dị tại đây là điều không thể bỏ qua.

  • Không nên mặc những bộ trang phục quá màu mè hoặc phản cảm làm mất đi sự tôn nghiêm ở chùa.

  • Sau khi đến chùa bạn nên thành tâm cầu nguyện và tận hưởng không gian linh thiêng, đừng sa đà vào việc mải mê chụp ảnh.

  • Tuyệt đối không nên đụng chạm hay lấy bất cứ vật dụng gì trong chùa nếu không được sự cho phép của các sư.

  • Không dẫm đạp lên hoa cỏ cây cối, bàn ghế trong chùa, vứt rác đúng nơi quy định để không gây ô nhiễm môi trường.

  • Xin phép với ban quản lý nhà chùa nếu muốn quay phim, chụp hình, nhất là sử dụng cho mục đích thương mại.

Hãy đến với chùa Nôm một lần để chiêm ngưỡng tận mắt cổ tự độc đáo này. Khuôn viên rộng lớn với các gian thờ phụ và các hồ nước bao quanh mang đến một nét cổ kính, trầm mặc mà không kém phần nên thơ.