Đền Đa Hòa - Dạ Trạch
Tương truyền, Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân, ven sông Hồng. Nhà nghèo, 2 cha con chỉ còn lại một chiếc khố, phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ lấy chiếc khố. Thương cha, Chử Đồng Tử liệm khố cho cha, còn mình chịu cảnh không khố, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền để bán cá hoặc xin ăn.
Thời ấy, Hùng Duệ Vương (vị vua Hùng thứ 18) có con gái tên là Tiên Dung, thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm, thuyền rồng của Tiên Dung theo sông Hồng đến vùng ven sông gần Chử Xá. Nghe tiếng huyên náo, Chử Đồng Tử vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bãi cát ven sông để tắm. Ngờ đâu đúng ngay chỗ nấp của Chử Đồng Tử. Nước xối để lộ thân hình Chử Đồng Tử. Tiên Dung kinh ngạc, hỏi han, nghĩ ngợi, rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng
Dù Hùng Vương không đồng ý, Tiên Dung vẫn ở lại với Chử Đồng Tử. Cả hai bắt đầu buôn bán, mở rộng thương mại dọc sông Hồng và lập các đoàn thuyền buôn lớn, giúp vùng ven sông trở nên phát triển thịnh vượng. Chử Đồng Tử trở thành một thương gia giàu có, truyền bá tri thức và kinh nghiệm cho người dân.
Khi nghe về sự thần phục của dân đối với Chử Đồng Tử, Hùng Vương cho quân tìm đến nhưng thấy một quần thể cung điện rực rỡ, rồi biến mất vào sáng hôm sau. Hùng Vương truyền lập đền thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung, cùng nhiều địa danh gắn liền như bãi Chử Đồng Tử, đầm Nhất Dạ Trạch và chợ Hà Thị.
Để ghi nhớ công tích của ba vị, dân trong cả vùng hạ lưu sông Hồng, như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam đã lập đền thờ. Hưng Yên là nơi có nhiều đền nhất, tới 45 làng cùng thờ. Trong số ấy, có hai ngôi đền nổi tiếng nhất thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử là đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch.
Đền Hóa Dạ Trạch tọa lạc tại thôn Yên Vĩnh, Xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử, nhị vị phu nhân và Triệu Việt Vương ( Triệu Quang Phục).
Đền Hóa ở sâu trong vùng đầm Dạ Trạch, nổi tiếng thâm nghiêm và linh thiêng. Nơi đây vẫn còn giữ được những cây cổ thụ, tạo cho đền Hóa một vẻ đẹp thâm u, huyền bí, thoát tục. Cảm nhận không khí linh thiêng trong đền quyện mùi nhang trầm, hương hoa, mà ở đây yên tĩnh dịu mát. Đền có tên gọi là Đền Hóa Dạ Trạch vì tương truyền đây chính là nền lâu đài thành quách xưa của Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân sau khi ba vị hóa về trời.
Du khách tới đây sẽ được ngắm nhìn tuyệt tác của các nghệ nhân được thể hiện ở kiến trúc của ngôi đền. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Công (工), mái khắc nhiều hình long, phượng rất đẹp, gồm ba gian.
Kiến trúc gỗ bên trong đã sờn cũ, nhuốm màu thời gian càng tăng vẻ đẹp cổ kính. Những cột gỗ lim to nay vẫn còn chắc chắn. Các bức hoành phi câu đối, sự tích tôn vinh Thánh Chử Đồng Tử vẫn còn hiện diện.
Để ghi nhớ công ơn, hàng năm người dân tổ chức lễ hội Chử Đồng Tử từ ngày mùng 10 tháng Chạp, đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, thể hiện rõ nét văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng.
Đền Hóa Dạ Trạch được trùng tu cách đây 100 năm, ao đầm xung quanh được lấp kín, chỉ còn lại hồ bán nguyệt nhỏ, bước lên đền hôm nay chỉ phải leo 4 bậc. Đền thẳng hướng chính Đông, xây theo kiểu chữ “Công” có 3 tòa 5 gian, từ xưa là kiến trúc trang hoàng lộng lẫy.
Đối diện với chính điện, qua hết sân đền là lầu chuông, bia. Chuông được đúc năm Thành Thái 1902 với tên gọi “Dạ Trạch từ chung”. Sân đền rộng, ngoài chính điện, lầu chuông còn có một dãy nhà xây giữa sân đền. Thời kháng chiến chống Pháp từng là nơi đóng quân luyện võ của quân ta.
Gian chính điện thờ, bên trái là vợ thứ nhất công chúa Tiên Dung, bên phải là vợ thứ hai công chúa Tây Sa.
Vườn nhãn lâu năm ở khuôn viên đền
Ngôi đền nổi tiếng gắn với truyền thuyết về tình yêu đẹp nên thơ
Đức thánh Chử Đồng Tử, một vị “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng Việt Nam được thờ phụng ở nhiều nơi. Chỉ riêng ở ven sông Hồng, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tới 72 đền thờ ngài. Nhưng đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là đền chính – Đa Hòa chính từ
Ngôi đền gồm 18 công trình lớn, nhỏ với tổng diện tích gần 19 nghìn mét vuông. Con số 18 khiến người đời sau nhớ đến công chúa Tiên Dung khi gặp và kết duyên với Chử Đồng Tử lúc 18 tuổi và là con vua Hùng Vương thứ 18. Các mái đền mang hình thuyền rồng cách điệu. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi đền giống như đoàn thuyền đang quần tụ dập dìu trên sông nước. Người ta bảo rằng, ngài tiến sĩ nho học tài hoa, tinh tế khi thiết kế đã gửi gắm ý tưởng về ngôi đền gợi nhớ cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đang du ngoạn trên sóng nước sông Hồng thuở nào…
Ngay bên ngoài đền là nhà Bia tám mái uy nghi, đối diện với bãi Tự Nhiên- nơi nên duyên của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Khu giữa của đền có gác chuông và gác khánh chứa 2 bảo vật quý là chuông và khánh được đúc, tạc từ thời Nguyễn. Trung tâm của đền là tòa Thiên hương trang nghiêm, bề thế, hai tầng tám mái, trạm trổ vô cùng tinh xảo, kỳ công…
Ấn tượng với du khách hơn cả là các pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở hậu cung, đều được đúc bằng đồng, tầm vóc cỡ như người thật. Và có lẽ, thu hút sự chú ý của du khách ở ngôi đền cổ kính ven bờ sông Hồng bốn mùa đỏ phù sa còn là hình ảnh hàng cây gạo trăm tuổi và những cây cổ thụ sừng sững, soi bóng bên sông hay rợp tán trong đền.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, toàn bộ kiến trúc ngôi đền toát lên ý tưởng và cảm hứng về câu chuyện tình bất tử. Đây không chỉ là một di tích lưu truyền và lan toả về một thiên tình sử hàng ngàn năm nay mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà còn có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn. Các nghi thức tế lễ của lễ hội Chử Đồng Tử -Tiên Dung vào mùa xuân cũng sở hữu những nét văn hóa cực kỳ đặc sắc, hấp dẫn, chỉ nơi đây mới có.
© 2024